28 tháng 7, 2012

Đức Phật Thầy Tây An và giả thiết về thân thế

Ngài sanh năm Đinh Mão (1807) tại làng Tòng Sơn thuộc tỉnh Sađéc nhưng mãi đến năm Kỷ Dậu (1849) Ngài hốt nhiên tỏ ngộ, rồi bắt đầu từ đó Ngài ra đời hoằng pháp độ sanh.

Mặc dầu thời gian hoằng hóa của Ngài rất ngắn, chỉ có bảy năm, từ năm Kỷ Dậu 1849 đế năm 1856, Ngài đã gây nên một phong trào đạo hạnh chưa từng thấy, vì Ngài đã lập nên giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương, với pháp môn học Phật tu nhân.

Trong thời gian bảy năm mà gây được một giáo hệ như thế, thật là một việc hy hửu trên nền hoằng hóa lợi sanh, giáo pháp của Ngài truyền dạy là pháp môn Học Phật Tu Nhân, rất khế hợp với căn cơ và phương tiện tu học của đại đa số sanh chúng thời hiện tại.

Ngày 12 tháng tám năm Bính Thìn (1856) đức Phật Thầy Tây An viên tịch tại núi Sam (Châu đốc) lúc 12 giờ trưa.

Từ ngày các vị Tổ ở Trung Hoa bặt truyền y bát, Phật pháp đã bước dần vào con đường suy đồi. Với sự giáng lâm của đức Phật Thầy giáo pháp vô vi của đức Phật Thích Ca được xướng minh và hưng truyền trong dân chúng. Ngài đã làm tỏ rạng chánh pháp và xứng danh là vị kế thống của đức Lục Tổ Huệ Năng, như Ngài đã biểu lộ trong câu:
Khát thời uống nước Tào Khê,
Đói ăn Ma phạn tố về canh tân.

Ngoài pháp môn hành đạo đúng theo giáo pháp vô vi của Phật, chính hạnh đức của Ngài cũng đã phản ảnh được lòng từ của đức Phật. ngay như ngôi mộ của Ngài, trước khi viên tịch Ngài cũng đã dạy, sau nầy san bằng chớ không cho đắp nấm, để đất trống cho người trồng tỉa, cũng đủ biểu thị ý nghĩa vô vi.

Cũng như đức Phật Thích Ca, trong bảy năm hoằng hóa, Ngài chỉ thuyết ra chớ không có viết, các môn nhơn đệ tử của Ngài sưu chép lại thành giảng thi, phương cách giống như là các đại đệ tử của đức Phật ngày xưa đã kết tập những lời Phật thuyết mà thành các bộ kinh.

Ngài đã qui hội trong giáo phái của Ngài hằng ngàn đệ tử, trong đó có 12 vị đạo hạnh cao siêu nhất, được gọi là Thập Nhị Hiền Thủ đã liễu ngộ và đắc các phép thần thông.

Các đại đệ tử đều được Ngài mật truyền bí pháp, để mỗi người tùy phương tiện, lập chùa hoằng hóa, trị bịnh độ sanh, nhờ đó mà chẳng bao lâu, giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương mở rộng ra khắp miền Nam nước Việt…”

Mười hai đại đệ tử là:

1. Ông Cố Quản có tên là Trần văn Thành.

2. Ông Tăng Chủ được đức Phật Thầy giao cho trông coi trại ruộng ở Thới Sơn.

3. Ông Đình Tây tên là Bùi văn Tây, được đức Phật Thầy giao cho dụng cụ để trừ khử cá sấu năm chèo.

4. Ông Đạo Xuyến tên Nguyễn văn Xuyến sanh năm1833, ông tịch ngaỳ mồng 4 tháng 8 năm 1914, hưởng thọ 82 tuổi.

5. Ông Đạo Lập dựng chùa Bồng Lai ở Bài bài thuộc làng Nhơn Hưng, quận Tịnh Biên tỉnh Châu đốc. Tên thật là Phạm thái Chung pháp danh là Sùng đức Võ tiên sanh hoặc Bồng Lai La Hồng tiên sanh.

6. Ông Đạo Sĩ (ông Đạo có tên là Sĩ)

7. Ông Đạo Thắng, tên thật là Nguyễn văn Thắng

8. Ông Đạo Chợ quê ở Chưn Đùn, cù lao Ông Chưởng, xã Long Kiến, vùng Hậu Giang.

9. Ông Đạo Đọt

10. Ông đạo Hiệu tức La Hồng tiên sinh được đức Phật Thầy phái đi với ông đạo Lập lấy một lá ếm của người Tàu ở tại Bài Bài. (*)Nhìn tổng quát, đức Phật Thầy có rất nhiều đệ tử tài danh, đều là bực tu hành đạo cao, đức cả, trí tuệ siêu vời, có nhiều phép thân thông, làm rạng rỡ cho giáo phái của Ngài.

Chẳng những thế thôi, sau khi Ngài tịch, cứ trong khoản vài mươi năm lại có một bậc đại giác ra đời, như đức Phật Trùm, đức Bổn Sư, hay ông sư vãi Bán Khoai… tiếp tục rộng khai giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương, và xiển dương pháp môn Tu Nhân Học Phật.

Mặc dù trường hợp ra đời độ thế của các bậc đại giác có khác và sự kế truyền có tính cách mật truyền tâm pháp, không như hệ thống Tổ tổ tương truyền., nhưng sự chuyển tiếp có phần liên hệ cùng hợp hòa trong giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương.

Do chỗ đồng nhứt tư tưởng được tìm thấy trong ngôn hạnh của các Ngài và nhứt là do sự hốt nhiên tỏ ngộ cùng trường hợp như đức Phật Thầy, cho người đời thấy rỏ được sự chuyển kiếp của các bậc đại giác ngộ và của đức Phật Thầy Tây An.

Như trong giảng của Đức Phật Trùm có ghi:
Ở đời hạ giới yêu ma,
Phật cho Thầy xuống giáo mà chúng sanh.


Trong quyển giảng xưa của Sư Vãi Bán Khoai có đoạn:
Ta nay phần cốt ở trần,
Phần hồn Phật khiến xa gần phải đi.


Nhờ vào sự chuyển kiếp liên tiếp như thế, mà hơn một trăm năm nay pháp môn Học Phật Tu Nhân vẫn giữ đúng tông truyền, không có điều sai lệch.

Đó là đặc điểm của giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương, mà đó cũng là chổ thắng diệu của Phật đạo trong thời mạt pháp.

Thời kỳ mà phần đông chúng sanh căn khí cạn cợt, không còn có sự tin tưởng mạnh mẽ vào chánh pháp. thời kỳ mà Thần Tú làm sai lệch Phật Pháp khiến chúng sanh ngờ vực cửa thiềng, nếu các vị có sứ mạng hưng truyền mối giềng của đạo mà không ra đời bằng cách chuyển kiếp và hốt nhiên tỏ ngộ, hoặc dùng huyền diệu độ bịnh, cứu đời thì khó mà dìu dắt chúng sanh vào con đường chánh tín.

Phải là bực đại giác mới thấu rõ cơ huyền, biết thời Hạ ngươn sắp mãn, Long Hoa hội sắp khai, khổ nạn của chúng sanh dồn dập, động mối từ tâm, nhận lãnh sứ mạng lâm phàm, mượn cơ hoằng hóa, giáo đạo đặng cứu đời, nên đã phải nhiều lần chuyển kiếp như đức Phật Thầy Tây An cùng các Ngài chung lo nối truyền trong giáo hệ.dìu dắt chúng sanh và dạy cho phương pháp thực hành rất khế cơ và khế lý để đủ và kịp thời giờ tu học, cải sửa tâm mình hầu có đủ tâm đức, hạnh lành mà dự vào Long Hoa đại hội.

Trên một trăm năm mươi năm hoằng khai mối đạo, dọn đường để chúng sanh kịp kỳ tiến hóa… đó là sứ mạng thiêng liêng của đức Phật Thầy Tây An và cả giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương ân thầm đảm nhận, dùng nhiều phương tiện hầu tiếp cận trong mọi sanh hoạt chúng sanh để mà có cơ giáo hoá Với pháp môn hành đạo rất thực tiển và giáo lý siêu mầu, rất vi diệu là học theo gương hạnh của đức Phật nhưng phụng hành nhân đạo làm căn bản. Ngài đã giáo dục và cải sửa tâm tánh con người từ tập nhiểm, hung ác hư hèn xấu xa… trở nên biết tự phản tỉnh, nhân thiện hiền hòa; người ngu khờ dại dột sẽ được trở thành trí tuệ thông minh. Ánh sáng đạo đức soi sáng cho muôn nhà, người người với tâm tư an lạc, sẽ tạo nên cảnh sống vui hòa hơn; do đó mà xả hội sẽ lành mạnh phú cường và quốc gia luôn thịnh vượng.

Đoàn Phật Sư, danh tôn nầy được thấy ở bài vị thờ Ngài tại Tòng Sơn cổ tự xã Mỹ An Hưng, huyện Thạnh Hưng, tĩnh Đồng Tháp ngày nay.

Thân thế của đức Phật Thầy Tây An
Theo bài vị tại chùa Tây An ở núi Sam, thì đức Phật Thầy họ Đoan, ten Minh Huyên, sanh năm Đinh Mão (1807) và tịch năm Bính Thìn (1856) thọ 50 tuổi.

Gần đây, vao năm 1966 trong quyển Thân thế đức Phật Thầy Tây An va Ngọc Hân Công chúa qua Kim cổ Kỳ quan, Tác giả cư sĩ Sripolieu co noi lời giới thiệu như sau:

“Phật Thầy Tây An, người sáng lập ra đạo Bửu Sơn Kỳ Hương từ năm Kỷ Dậu 1849, là một tu sĩ yêu nước, và là người có công rất lớn trong việc khai hoang vùng Thất Sơn, tỉnh An Giang. Các vị đệ tử của Ngài sau đó đã mở ra các hệ phái như:

- Minh Tinh Hiếu Nghĩa của ông Trần Văn Nhu (con trưởng Đức Cố quản Trần Văn Thành)

- Tứ Ân Hiếu Nghĩa của đức Bổn Sư Ngô Lợi

Tất cả đều lấy giáo lý Tu Nhân Học Phật của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương làm tông bổn.

Căn cứ vào mộ bia Phật Thầy Tây An tại núi Sam, Châu đốc, tuyệt đại đa số tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương và các nhà sử học đều chấp nhận rằng Phật Thầy Tây An tên thật là Đoàn Minh Huyên, sinh năm Đinh Mão 1807 và viên tịch ngày 12/08 âl 1856, xuất thân từ gia đình nông dân ở làng Tòng Sơn Sa đéc.

Tuy nhiên có một số ít vị bô lão còn sống, cũng như có học giã Hồ hữu Tường khi còn sinh tiền đưa ra giả thuyết Phật Thầy Tây An chính là con trai út của vua Quang Trung và bà Ngọc Hân công chúa;

Ngài đã thoát khỏi sự tru di gia tộc của Gia Long, lánh nạn vào miền Nam, thay tên đổi họ và sau nầy vào năm 1849 có bệnh dịch tả hoành hành toàn vùng cù lao ông Chưởng, Ngài về đó trị bịnh cho bá tánh, tự xưng là Phật Thầy Tây An và thành lập đạo Bửu Sơn Kỳ Hương.

Năm Kỷ Dậu 1849, Phật Thầy trở lại làng Tòng Sơn giảng đạo với những lời lẽ sâu xa, có tính cách tiên tri nên dân chúng gọi Ngài là ông đạu Khùng. Tất cà không biết Ngài tu học với vị minh sư nào, chùa nào, có lẽ là Ngài tự tu và tự chứng đắc.

Tiếc rằng giả thuyết trên chỉ căn cứ vào lời truyền khẩu của các vị Tiền bối, chớ không có một quyển kinh sách nào viết lại để chứng minh, do đó nó không đủ sức thuyết phục các nhà sử học Việt Nam.

Sau hơn 20 năm nghiên cứu quyển kinh Kim Cổ Kỳ Quan được viết bằng chữ nôm của ông Nguyễn Văn Thới (1866 - 1926) một kiệt suất của hệ phái Minh Tinh Hiếu Nghĩa của ông Trần Văn Nhu, và là một chí sĩ yêu nước, người viết đã khám phá ra sự bí mật của thân thế Phật Thầy Tây An, được tiết lộ một cách cực kỳ khéo léo, trong quyển được gọi là Thánh kinh này, để qua được tai mắt của triều đình nhà Nguyễn.

Người viết rất mong quyển sách luận giải nhỏ này sẽ giúp thêm một số tài liệu cho các nhà sử học Việt Nam tiếp tục nghiên cứu về hậu duệ và lăng mộ thật của vua Quang Trung và bà Ngọc Hân công chúa.

Ngoài ra người viết cũng mong cho các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương thuộc mọi hệ phái hiểu được thân thế hào hùng và bi đát của vị tổ sư của mình và từ đó càng tinh tấn hơn trên đường tu nhân học Phật, theo chỉ dạy trong Kim Cổ Kỳ Quan,tiêu biểu cho toàn bộ giáo lý của Phật Thầy Tây An để lại”. (08-11-1966).

Gần đây hơn nữa, ngày 6 tháng 6 năm 2009 số 5824 trên báo Việt Nam cuối tuần có đăng bài viết của tác giả Sa Giang về Thân Thế Phật Thầy Tây An như sau:

"Hoàng tử Nguyễn quang Mục con vua Quang Trung - Nguyễn Huệ do bản án tử hình của vua Gia Long, phải mai danh ẩn tích trốn thoát ngục tù cùng với mẹ Bắc cung Hoàng hậu về ẩn náu nơi quê Mẹ ở Bắc Ninh bị phát giác, phải cùng mẹ lên thuyền vượt biển về Nam, trốn tránh ở vùng Vàm Nao giữa hai con sông Tiền giang và sông Hậu giang đổi tên sửa họ, cố gắng cùng mẹ làm ruộng rẫy sinh sống như các nhà nông gia khác.

Bà mẹ chính là Ngọc Hân công chúa được vua Lê Hiển Tôn gã cho nguyên soái Úy quận công Nguyễn Huệ(1786) khi tiến quân ra Bắc phù Lê diệt Trịnh, bà theo chồng về Phú Xuân, đến năm 1788 Nguyễn Huệ lên ngôi vua hiệu là Quang Trung đại đế, phong chức Bắc cung hoàng hậu với chức danh Như Ý Trang thuần Trinh nhứt Võ hoàng hậu. Quang Trung đại đế tiến binh đại phá quân Thanh năm Kỷ Dậu (1789), ban sự hồi trào, ca khúc khải hoàn lừng danh khắp trời Á Đông, cùng năm này Bắc cung hoàng hậu hạ sanh hoàng tử Nguyễn quang Mục và đến năm sau 1791 sanh thêm công chúa Nguyễn ngọc Bảo.

Tới năm 1892 Quang Trung hoàng đế băng hà….. Hoàng tử Nguyễn quang Mục được Mẹ (Bắc cung Hoàng hậu) đưa vào Nam để lánh nạn, thay tên đổi họ, giả dạng thường dân để tránh khỏi lệnh tru di gia tộc của Gia Long. Hiện ở rạch Cái Nai có mộ Bà còn được gọi là Phật mẫu là phần mộ của mẹ Phật Thầy, mà cũng là mộ thờ của Ngọc Hân công chúa."

Thật ra về gia thế đức Phật Thầy đến nay khó mà biết đích xác được, vì có sự ẩn tình ẩn ý do hoàn cảnh xuất thân phải ẩn lánh nên tên thât cũng không đươc nhận rõ!

Theo ông Vương Kim và Đào Hưng nhận định trong quyển Đức Phật Thầy Tây An như sau:

“Nhìn tổng quát tình hình xã hội Việt nam từ năm 1807 đến 1856, nghĩa là từ ngày đức Phật Thầy ra đời cho đến ngày Ngài tịch, đất nước chìm trong khói lữa đao binh, từ giặc Xiêm la đến giặc Pháp tiếp nối, không ngừng, lại có thêm nhiều cuộc nội loạn nổi lên.

- Trong lúc dân nước vừa thoát khỏi nạn tương tàn cốt nhục trong mấy mươi năm gây chiến với Tây Sơn, gây ra bao cảnh nhà tan cửa nát. Năm 1813 vua Gia Long sai quan Tổng trấn thành Gia Định là Lê văn Duyệt đem 10.000 quân lên Nam Vang để bảo vệ cho Nặc ong Chân về nước, sau khi quân binh Xiêm la rút lui, vua Gia Long còn cho Nguyễn văn Thụy để lại 1000 quân để bảo vệ.

- Năm 1819 để ngăn ngừa giặc Xiêm la tràn qua quấy phá để trả thù, ông Nguyễn văn Thoại vâng lệnh triều đình đào kinh Vĩnh Tế, hàng vạn dân phải xa nhà để đến “làm xâu” rất là khổ cực.

- Năm 1933, Xiêm la đem 5 đạo quân thủy lục sang đánh Việt Nam…

- Việc ngoài nước đã làm cho dân chúng khốn khổ như thế, kế đến việc trong nước cũng làm đảo điên đời sống...

- Năm 1933, Lê văn Khôi nổi loạn ở Gia định, khiến cho dân chúng phải khiếp đảm vì sự đàn áp và lo sợ bị họa lây.

- Năm1841 lại có nhóm Lưu Sâm ở Trà Vinh gây nhiều xáo trộn ở các chùa khiến dân chúng mất dần niềm tin cũng như tinh thần đạo đức”…

Trước tình cảnh nhơn tâm xao xuyến, thế đạo suy đồi, họa khổ tràn lan, các bậc Thánh nhân, các vị cứu đời, thường xuất hiện vì tấm từ bi, độ thế, từ trước đến nay điều nầy đã được chứnng minh; nên đức Phật Thầy Tây An hiện diện trong thời kỳ nầy cũng la lẽ tất nhiên.
 ________________________

(*) Về 12 ông Đạo có nhiều tài liệu ghi chép khác nhau, có chỗ ghi là La Hồng Tiên sinh chính là ông Đạo Lập (Phạm Thái Chung), có chỗ kể thêm ông Đạo Lãnh, Đạo Tặng, Đạo Sang, Đạo Thắng...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét