12 tháng 10, 2012

Mua TV LCD giá rẻ nên chú ý

* TV kích thước từ 20 đến 27 inch thì khoảng cách với TV phải khoảng từ 1.5 đến 2.5m. 
* TV kích thước từ 32 đến 37 inch thì khoảng cách này phải từ 3 đến 4m. 
* TV kích thước từ 42 đến 46 inch thì khoảng cách này phải từ 4.5 đến 5.5m. 
* TV lớn hơn 50 inch chỉ có thể cho hình ảnh đẹp nếu bạn ngồi cách từ 6m trở lên. 

Nếu bạn là một chú kiến chăm chỉ “cày” 6 tháng mới đủ tiền mua cho mình một chiếc TV LCD thì bài viết này chính là cứu cánh cho bạn khi chọn mua. Cách đây chỉ vài năm khi Việt Nam đứng ngoài cuộc chơi của WTO, một chiếc TV màn hình tinh thể lỏng chỉ là giấc mơ của bao người vì giá của chúng luôn ngoài tầm với. Hôm nay, giấc mơ ấy có thể đã thành sự thật nhờ các cơn sóng khuyến mãi và giảm giá dồn dập, dồn dập từng cơn đánh tan đi lớp vỏ lạnh lùng và xa cách của những chiếc TV LCD, đưa chúng đến gần với tầm tay của nhiều người. Từ mức trên 40 triệu thì nay chỉ còn khoảng hơn 10 triệu cho một chiếc TV LCD 32”, rất vừa túi tiền của các gia đình có mức thu nhập trung bình. 

Sự cạnh tranh khốc liệt giữa các thương hiệu tạo ra nhiều mức giá khác nhau với sự chênh lệch vài triệu cho phép người dùng “liệu cơm gắp mắm”. Tuy nhiên, hệ quả của nó là người dùng khó quyết định chọn mua khi ở trong rừng sản phẩm và thương hiệu, vậy đâu mới là tiêu chí cuối cùng khi chọn mua TV LCD? Chất lượng hiển thị hay mẫu mã bắt mắt? Thương hiệu nổi tiếng hay giá cả phù hợp? 
Đồng ý với bạn là Giá sẽ là tiêu chí đầu tiên vì nó chính là động lực dẫn bạn đến các cửa hàng kim khí điện máy, cái khó ở đây chính là trên cùng tầm giá mà bạn đưa ra cho tôi thì cũng đã có lắm “kiểu” để bạn phải đắn đo không biết phải chọn model nào là tốt nhất. Để có giá tốt và kiểm chứng được chất lượng hiển thị, bạn thường dạo quanh các cửa hàng và chính điều này sẽ gây khó khăn hơn cho quyết định chọn mua của bạn khi chất lượng hiển thị trên model bạn chọn tại mỗi cửa hàng mỗi khác. Lý do chính là tại các cửa hàng nguồn phát thử không đảm bảo, được kết nối không đúng cách gây ra sự suy giảm tín hiệu hình ảnh khi được truyền tới cách TV LCD trưng bày, nhờ người bán hàng tư vấn cho bạn thì bạn càng “rối” hơn khi chính họ cũng chỉ có các khái niệm kỹ thuật mù mờ như dạng “đời mới thì công nghệ mới” hay “tiền nào của đó”, họ không nắm rõ và không phân biệt được sự khác nhau của các thông số kỹ thuật cơ bản đã tạo ra sự khác nhau giữa các dòng sản phẩm TV LCD. 

Hãy để chúng tôi giúp bạn thông qua bài viết này, giúp bạn tìm hiểu các thông số kỹ thuật nào cần quan tâm khi có ý định mua một chiếc TV LCD và cách thức khai thác tốt nhất sản phẩm này để chúng thật sự là một phương tiện không chỉ dùng để giải trí mà còn có thể giúp bạn nhiều trong công việc hằng ngày. 

Những lợi ích của TV LCD so với TV truyền thống: 
Ngoài sự sành điệu, vẻ đẹp lộng lẫy kiêu sa của thiết kế, dáng vẻ mảnh mai ít chiếm diện tích trong thời buổi “tấc đất tấc vàng”, điều gì khiến bạn nên mua một chiếc TV LCD mà không phải là một TV CRT truyền thống? Hãy điểm qua một số thế mạnh của TV LCD so với TV CRT cùng kích thước màn hình thông qua bảng sau: 

Tính năng kỹ thuật.................TV CRT (đèn hình thường)......TV LCD (màn hình tinh thể lỏng) 

Độ sáng...........Thấp.................Cao 

Độ tương phản.....Cao, không bị răng cưa ở các đường chéo màn hình........Rất cao với các LCD có công nghệ mới, độ tương phản dọc và ngang rất tốt do các điểm ảnh được bố trí theo hình caro. 

Thời gian đáp ứng.........Nhanh, không có độ trễ.......Thấp với panel, LCD hiện nay đang dừng ở mức 5ms ~ 8ms cho các màn hình lớn. 

Góc nhìn.............Rộng không giới hạn........Góc nhìn hẹp, hiển thị tốt khi nhìn trực diện. 

Công suất tiêu thụ............Cao...........Rất thấp, giảm trên 40% năng lượng tiêu thụ so với CRT cùng kích thước, 

Khả năng kết nối với các hệ thống gia dụng......Hạn chế...........Không giới hạn 

Tuổi thọ đèn hình........Thấp từ 5 đến 7 năm.........Cao trên 10 năm 

Trọng lượng...........Nặng và chiếm diện tích.........Nhẹ, rất gọn có thể treo tường 

An toàn.........Phát ra tia bức xạ điện từ phía trước......Không có bất kỳ tia điện tử nào nên rất an toàn 

Giá thành............Thấp...............Còn cao 

Trước hết là nó cho chất lượng hình ảnh tốt hơn so với TV CRT. Các TV dạng tấm phẳng như LCD hay Plasma luôn cho hình ảnh rất sáng và có độ tương phản cao hơn so với các TV CRT. Điều này có nghĩa là nó luôn hoạt động tốt ở hầu hết các điều kiện ánh sáng khác nhau, phòng quá sáng sẽ không gây ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh cũng như ánh đèn sẽ không gây chói đuợc với một TV LCD. Bạn không cần phải tắt bớt đèn để hình ảnh rõ nét và đẹp mà chỉ đơn giản là tận hưởng vẻ đẹp của TV LCD. 

Một vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hình ảnh đó là kích thước điểm ảnh. Kích thước các điểm ảnh càng bé thì hình ảnh càng mịn và càng chi tiết hơn. Với các TV LCD hiện nay, kích thước điểm ảnh luôn bé hơn nhiều lần so với các TV CRT truyền thống. Những TV LCD tốt nhất hiện nay có kích thước điểm ảnh trong khoảng 0.20mm đến 0,29mm và mức thấp nhất hiện nay là 0.099mm. 

TV LCD rất thân thiện với người dùng cũng như môi trường và có tuổi thọ cao. Chúng không sử dụng công nghệ quét hình như TV CRT nên không có hiện tượng hình ảnh bị rung và gây mỏi mắt khi xem lâu. Loại TV này cũng sử dụng ít điện năng hơn so với TV CRT truyền thống hoặc Plasma, hóa đơn tiền điện nhà bạn chắc chắn sẽ giảm nếu đổi sang TV LCD. Tuổi thọ của TV LCD thì lại rất lâu, từ 50000 đến 60000 giờ sử dụng, tương đương với 6 đến 7 năm sử dụng liên tục 24 giờ mỗi ngày hoặc khoảng 20 năm với mức sử dụng 8 giờ mỗi ngày. 

Nhiều chức năng hơn và tương thích với nhiều nguồn phát tín hiệu khác nhau. Một TV LCD không chỉ để coi TV hoặc sử dụng với đầu đĩa mà còn có thể dùng làm màn hình kích thước lớn cho máy tính. Trên thực tế, TV LCD tương thích với hầu như tất cả các chuẩn tín hiệu hình ảnh; thông thường chúng có các ngõ kết nối với đầu đĩa qua ngõ composite RCA, chuẩn S-Video, cáp component (Y/Pb/Pr), HDMI và cả cáp tín hiệu D-Sub hoặc DVI cho PC. 

Kích thước màn hình: Nếu bạn quyết định mua một TV LCD thì điều đầu tiên bạn phải quyết định là kích thước màn hình. Chọn đúng thì kích thước màn hình sẽ phụ thuộc vào diện tích căn phòng mà bạn sẽ đặt TV. Kích thước phòng càng lớn thì TV cần phải chọn loại có kích thước "to" nhưng bạn nên biết kích thước màn hình càng lớn thì giá bán càng cao. 

Kích thước phòng của bạn có liên quan rất mật thiết với kích thước TV mà bạn có thể mua. Bạn không thể đặt một chiếc TV LCD với kích thước 50 inch hoặc lớn hơn vào một căn phòng khiêm tốn, điều này sẽ chỉ làm bạn bực mình khi xem thay vì thấy tự hào về nó. Đây không phải là rắc rối liên quan đến vấn đề về sự thẩm mỹ cũng như tính khoa học trong trang trí nội thất mà liên quan tới vấn đề cơ cấu sinh lý của cặp mắt con người. Mắt người khi nhìn thẳng sẽ bao trùm một góc khoảng 180o nhưng góc nhìn cho độ nét cao nhất thì lại rất hẹp khoảng chừng 30o từ phía trước, do vậy khi xem TV ta cần có một khoảng lùi nhất định để có thể thu thập hết các nội dung được hiển thị trên màn hình và chúng có liên quan mật thiết tới kích thước màn hình. Hãy đo đạc cẩn thận khu vực bạn dự tính sẽ để chiếc TV LCD: liệu nó có phù hợp hay không vì phần lớn các TV LCD trên thị trường đều khá to với kích thước trên 32 inch nên cần phải xác định chính xác khoảng cách từ màn hình tới chỗ bạn ngồi là bao nhiêu mét để chọn một màn hình có kích thước phù hợp. Bản thông tin dưới đây sẽ cho bạn một vị trí ngồi phù hợp với kích thước màn hình với khoảng cách tối thiểu tương ứng với từng kích cỡ màn hình TV: 

* TV kích thước từ 20 đến 27 inch thì khoảng cách với TV phải khoảng từ 1.5 đến 2.5m. 
* TV kích thước từ 32 đến 37 inch thì khoảng cách này phải từ 3 đến 4m. 
* TV kích thước từ 42 đến 46 inch thì khoảng cách này phải từ 4.5 đến 5.5m. 
* TV lớn hơn 50 inch chỉ có thể cho hình ảnh đẹp nếu bạn ngồi cách từ 6m trở lên. 

Sự chênh lệch về giá giữa các dòng sản phẩm với những công nghệ mà chúng hỗ trợ cũng rất khủng khiếp. Một TV Full HD và một TV HD Ready giá có thể chênh nhau 10 triệu hoặc hơn. Hãy kiểm tra túi tiền trước khi quyết định xem mình sẽ mua loại TV LCD nào. 

TV LCD có khá nhiều thông số kỹ thuật quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hình ảnh cũng như các tính năng của chúng. Nhưng đại đa số người dùng không thể phân biệt các con số này, người bán cũng mù mờ, do đó họ đành dựa vào sự lựa chọn cảm tính khi mua. Nếu có một chút hiểu biết về các thông số này, người dùng sẽ dễ dàng nhận biết được tại sao cùng một kích cỡ, cùng một hãng sản xuất mà giá cả của 2 dòng sản phẩm lại chênh nhau vài triệu, thậm chí là chục triệu đồng. Và người dùng cũng dễ dàng lựa chọn được một sản phẩm phù hợp với nhu cầu của mình. 

Độ sáng (Brightness): là khả năng thể hiện ánh sáng của một màn hình, thường được tính theo đơn vị cd/m2 (candela per square meter) hay nit. 1 nit = 1 cd/m2 = bằng lượng ánh sáng của các cây nến tạo ra trên một mét vuông. Ví dụ với một TV có độ sáng 1000 cd/m2, có nghĩa là độ sáng của nó tương đương 1000 ngọn nến phát ra trên một mét vuông màn hình. Chỉ số này càng cao thì màn hình càng sáng. Nếu nơi bạn dự tính đặt chiếc TV LCD của mình trong một căn phòng nhiều ánh sáng thì hãy lựa một chiếc TV có độ sáng càng cao càng tốt. 

Độ tương phản (Contrast): là thông số cho biết khả năng thể hiện sự khác biệt giữa hai gam màu trắng và đen (hay sáng và tối) của một màn hình. Thông số này thường được biểu diễn theo tỷ số xxxx:1 (ví dụ 1000:1). Độ tương phản được tính bằng số nấc màu mà màn hình hiển thị từ màu trắng hoàn hảo nhất đến màu đen sâu nhất nếu chia thang màu ra làm nhiều nấc, hay có thể nói đây là lượng tông màu đơn sắc mà màn hình có thể tạo ra. Một TV có độ tương phản cao sẽ tái tạo lại các cảnh tối một cách chi tiết và trung thực hơn, mượt mà với những hình ảnh chuyển động nhanh khi chuyển đổi gam màu từ sáng sang tối mà không tạo ra bất kỳ hiện tượng loang màu nào. 

Thông thường, độ tương phản tĩnh của một TV LCD chỉ ở khoảng 1200 – 1500:1 và tối đa là khoảng 2000:1. Độ tương phản tĩnh phụ thuộc vào công nghệ chế tạo panel do đó các nhà sản xuất không thể nâng mức này cao hơn ở thời điểm hiện tại. Nhưng các nhà sản xuất đã phát triển công nghệ Dynamic Contrast để tăng độ tương phản một cách linh hoạt hơn. Với công nghệ này họ có thể đạt được độ tương phản với tỷ lệ 15000 – 25000:1. Công nghệ này sử dụng những kỹ thuật phức tạp để tăng hoặc giảm mức năng lượng ở các điểm ảnh một cách riêng biệt, điều này vừa tiết kiệm năng lượng vừa tăng được độ tương phản của hình ảnh. Công nghệ này đặc biệt hiệu quả với các hình ảnh chuyển động tốc độ cao trong phim, các chương trình thể thao hoặc game. 

Thời gian đáp ứng (Response Time): là khoảng thời gian một điểm ảnh (pixel) chuyển từ màu trắng (độ sáng 100%) sang màu đen hoàn toàn (độ sáng 0%). Nó phụ thuộc vào loại panel sản xuất nên LCD. Đây là thông số gây tranh cãi nhiều nhất và chứa đựng nhiều điều khuất tất nhất. Mỗi nhà sản xuất có cách định nghĩa khác nhau về thời gian đáp ứng như: trắng sang đen, xám sang xám hay từ lúc tắt đến lúc mở của một điểm ảnh… Tùy theo cách định nghĩa của họ mà thời gian đáp ứng rất khác nhau giữa các sản phẩm sử dụng cùng loại panel nhưng được sản xuất bởi các hãng khác nhau. 

Nếu TV LCD của bạn có thời gian đáp ứng cao thì khi coi phim, xem thể thao hoặc chơi các game hành động, lúc các hình ảnh chuyển động nhanh bạn sẽ nhìn thấy hiện tượng bóng ma xuất hiện trên màn hình. Hãy lựa một TV LCD có thời gian đáp ứng thấp nhất có thể. Nhưng theo tôi, thông số này chỉ có ý nghĩa nếu bạn so sánh giữa các dòng sản phẩm của cùng 1 hãng vì như tôi đã trình bày ở trên thì giữa các hãng, cách tính thông số này không thống nhất với nhau. 

Đèn nền (Backlight): Đây là thiết bị quyết định độ sáng cũng như độ tương phản của TV LCD và là bộ phận có tính quyết định cao nhất đến tuổi thọ của chúng. Hầu như tất cả TV LCD trên thị trường sử dụng đèn nền loại CCFL (Cold Cathode Fluorescent Lamp). Loại đèn này cho độ sáng cao nhưng khả năng điều tiết ánh sáng kém và gây lòi sáng (backlight bleeding), màn hình càng sáng thì mức độ lòi sáng càng cao. SONY là nhà sản xuất đầu tiên đưa ra loại TV LCD cao cấp thuộc dòng XBR sử dụng đèn nền là LED siêu sáng. Loại đèn nền mới này giúp tiết kiệm đến 35% điện năng tiêu thụ và giảm hoàn toàn lượng ánh sáng “lòi” ra ở các cạnh của màn hình. 


So sánh các độ phân giải khác nhau 

Độ phân giải (Resolution):Mỗi màn hình LCD đều có một độ phân giải cố định được gọi là Native Resolution. Với cùng một kích thước màn hình, độ phân giải này càng lớn thì chất lượng hình ảnh càng mịn và đẹp vì khoảng cách giữa các điểm ảnh càng nhỏ. Hiện tại trên thị trường, các TV LCD có 2 độ phân giải chính: 1366x768 và 1920x1080. Độ phân giải 1920x1080 chỉ có mặt ở các TV cao cấp với kích thước 40” hoặc lớn hơn. Còn độ phân giải 1366x768 có mặt ở hầu hết các dòng TV với giá rẻ. Các loại TV có độ phân giải này chỉ hỗ trợ độ phân giải HD 720p. Chỉ có những TV nào có độ phân giải mặc định là 1920x1080 mới là TV Full HD. 

Các loại giao tiếp và ưu nhược điểm của từng loại: Trên các loại TV LCD hiện nay, bạn có thể tìm thấy đầy đủ những chuẩn giao tiếp từ mới cho đến cũ, từ analog đến digital: composite RCA, component (Y/Pb/Pr), S-Video, HDMI, VGA (D-Sub), DVI. Nhưng loại nào tương thích với hệ thống của tôi? Đa số người dùng sẽ đặt ra câu hỏi này. Chúng ta sẽ cùng phân tích đặc điểm của các loại giao tiếp này. Trước kia, một TV chỉ cần kết nối được với anten và đầu video, Nhưng ngày nay, với TV LCD, bạn có khả năng kết nối được với rất nhiều thiết bị khác nữa như máy chơi game, máy tính, hộp giải mã tín hiệu truyền hình kỹ thuật số (DBT Set top box)… 

* Cáp composite RCAComposite RCA: hay còn được gọi là đầu bông sen, đây là giao tiếp tồn tại có thể nói là lâu đời nhất. Nó xuất hiện từ những năm 1940 và vẫn còn tồn tại trên các thiết bị điện tử cho tới ngày hôm nay. Nó cung cấp tín hiệu hình ảnh analog với chỉ một dây tín hiệu nhưng chất lượng hình ảnh kém nhất trong các loại giao tiếp trên TV LCD. Giao tiếp này hiện tồn tại trên các đầu băng từ (VCR), đầu đĩa VCD và một số ít các đầu DVD giá rẻ, chất lượng thấp. 

* Đầu giao tiếp S-VideoS-Video: với chất lượng tốt hơn so với composite RCA. Nó hỗ trợ độ phân giải 480i và 576i từ đầu đĩa các loại và PC. Loại giao tiếp này tồn tại trên các đầu đĩa VCD và DVD cùng với các card đồ họa trên PC. Giống với giao tiếp composite RCA, nó đang dần biến mất khỏi các thiết bị hiển thị cao cấp vì các giới hạn về băng thông cũng như độ phân giải. 

* Component (Y/Pb/Pr): với 3 đầu cắm được mã màu xanh lá/xanh dương/đỏ. So với S-Video hay RCA composite thì hình ảnh sẽ ít bị nhiễu hơn và không bị răng cưa khi hiển thị chữ như phụ đề. Giao tiếp này cho chất lượng hình ảnh tương đương những loại giao tiếp Digital và hỗ trợ độ phân giải cao HD (720p/1080i/1080p) nhưng lại bất tiện vì phải sử dụng đến 3 đầu cắm cùng lúc cho tín hiệu video (nhiều nhất trong các loại giao tiếp). 


Giao tiếp HDMIHDMI: là giao tiếp tiện dụng nhất cho tới lúc này. Nó có kích thước nhỏ gọn lại có thể truyền được vừa tín hiệu hình ảnh vừa tín hiệu âm thanh cùng một lúc. Hiện nay, đa số các đầu đĩa thế hệ mới trên thị trường đều hỗ trợ loại giao tiếp này, đặc biệt là các đầu đĩa hỗ trợ HD DVD hoặc Blu-ray DVD. Các card đồ họa thế hệ mới cũng đã hỗ trợ giao tiếp này thông qua một đầu đổi từ cổng DVI sang, cho phép PC kết nối với TV LCD một cách dễ dàng hơn. 


VGA (Analog) và DVI (Digital): là loại giao tiếp dành để kết nối TV LCD với PC. Chuẩn giao tiếp DVI cho chất lượng hình ảnh tốt hơn và hiện đang dần thay thế giao tiếp VGA trên các card đồ họa thế hệ mới. DVI cũng hỗ trợ các độ phân giải cao hơn nhiều so với VGA và có thể nói là cao nhất hiện nay. Nếu trên thiết bị phát của bạn (đầu DVD chẳng hạn) có nhiều loại giao tiếp mà TV của bạn hỗ trợ (S-Video, Component (Y/Pb/Pr),…) thì hãy lựa loại giao tiếp cho chất lượng hình ảnh tốt hơn. Giữa các giao tiếp analog thường thấy trên đầu đĩa cũng như máy chơi game (console) thì Component (Y/Pb/Pr) cho chất lượng tốt. Tuy nhiên, nếu thiết bị của bạn có ngõ HDMI thì đây có lẽ là chuẩn giao tiếp tốt nhất và bạn nên sử dụng giao tiếp này (bạn sẽ phải tốn thêm tiền để mua cáp nếu đầu phát không tặng kèm). 

Thiết kế sành điệu hay tính tiện dụng cao? 

Trên thị trường hiện có nhiều nhãn hiệu TV LCD khác nhau với những phong cách thiết kế cũng rất khác nhau. Samsung và LG thì đi theo trường phái thời trang và sành điệu với phần vỏ bóng loáng, chân đế nhỏ gọn và có những đường cong mềm mại đầy nữ tính. SONY thì luôn trung thành với phần vỏ sơn nhám mờ và kiểu dáng “vuông thành sắc cạnh” đầy nam tính, chân đế vuông vức và chắc chắn. Trong khi đó, Panasonic là sự phối hợp giữa 2 tông màu đen và trắng bạc sang trọng và lịch lãm. 

Không có một sản phẩm hay thiết kế nào là hoàn hảo, điều này luôn luôn đúng. Nếu bạn chọn một chiếc TV LCD có lớp vỏ bóng loáng thì sẽ phải chấp nhận việc nó rất dễ bám dấu tay, nếu nhà bạn có nhiều trẻ con thì chắc chắn bạn sẽ phải lau chùi mỗi ngày. Lớp vỏ này cũng có thể gây khó chịu cho người dùng khi phản chiếu ánh đèn và các nguồn sáng khác. Với kiểu dáng bầu tròn và siêu mỏng thì bạn có thể tiết kiệm được khá nhiều không gian nhưng bù lại loa của chúng thường có công suất bé hơn so với những loại có kích thước to hơn và khi mở lớn sẽ dễ bị rè. 

Đặc biệt là những kiểu TV có loa hướng xuống dưới, âm thanh sẽ bị thiếu tiếng treble và khó tạo hiệu ứng âm thanh vòm hơn so với những loại có loa nằm dọc 2 bên thân và hướng về phía người xem. Cũng như một chiếc remote to thì sẽ hơi khó khi cầm nhưng bù lại nó sẽ có đầy đủ các phím chức năng và phím bấm to dễ thao tác hơn. 

Những tính năng đặc biệt khác tạo ra giá trị cách biệt: Có một số loại TV có những tính năng đặc biệt và khá là tiện dụng. Những tính năng này làm tăng thêm giá trị sử dụng của TV LCD. Một số loại được trang bị đầu đọc thẻ nhớ, các loại đầu đọc thẻ này có thể đọc được phần lớn các loại thẻ nhớ trên thị trường. Chúng cho phép bạn xem ngay các hình ảnh hoặc phim từ máy quay phim hoặc máy chụp hình của bạn. Một số loại khác thì lại được trang bị ổ cứng gắn trong, cho phép bạn thu các chương trình truyền hình mình yêu thích và xem lại sau. Ngoài ra, còn có một số loại TV được trang bị 2 bộ thu sóng TV cùng 1 lúc, bạn có thể sử dụng tính năng PIP (piture in picture) để xem cùng lúc 2 kênh truyền hình khác nhau. 

Lắp đặt như thế nào để có hình ảnh tốt nhất 

Các loại TV LCD hiện nay đều được bán kèm với chân đế. Bạn có thể dễ dàng đặt nó ở bất cứ đâu bạn muốn. Tuy nhiên với kích thước khá to nhưng lại mỏng và nhẹ hơn nhiều so với các TV CRT cùng kích thước nên chúng thích hợp để treo tường hơn. Các bộ giá treo tường thường không được tặng kèm mà bạn phải mua rời. Một bộ giá treo tường “hàng chính hãng” thường có giá khá cao, từ 5 – 7 triệu, hoặc thậm chí là mắc hơn. Samsung cung cấp cho khách hàng loại giá treo tường đặc biệt, cho phép người dùng điều khiển bằng remote với các khả năng xoay 3 chiều độc đáo, cho người dùng sự thoải mái tối đa. 

Như đã nói ở phần trên, bạn cần tính toán khoảng cách từ nơi bạn ngồi xem đến mặt TV theo các kích thước tương ứng để có thể xem một cách thoải mái nhất. Tiếp theo, treo ở khoảng cách như thế nào với mặt đất để góc nhìn giữa mắt với màn hình nằm trong khoảng góc nhìn của TV. Giống với các loại màn hình LCD khác, TV LCD cũng có một góc nhìn giới hạn, hình ảnh chỉ sắc nét và đúng màu sắc khi bạn xem với góc nhìn tối ưu nằm trong khoảng 50 – 60 độ so với trục vuông góc với màn hình. Để đảm bảo điều này, bạn nên treo TV ở độ cao khoảng 1 – 2m so với mặt đất. Treo cao hơn sẽ gây bất tiện cho bản thân bạn khi muốn kết nối với các thiết bị khác như đầu DVD, máy chơi game… Còn nếu bạn cần treo cao hơn mức 2m thì nên sử dụng các loại giá treo tường có khả năng xoay để điều chỉnh cho màn hình hơi chúc xuống chứ không song song với tường, như vậy sẽ giữ được góc nhìn trong giới hạn của TV. 


Nhân viên bán hàng - Thiếu chuyên nghiệp trong tư vấn 

Phần lớn các nhân viên bán hàng ở các siêu thị điện máy đều không được đào tạo bài bản về các sản phẩm họ đang bán. Do đó, khi khách hàng có những thắc mắc về các thông số kỹ thuật cũng như các công nghệ được sử dụng trên những mặt hàng TV LCD đang trưng bày thì những câu trả lời của họ là “vô thưởng vô phạt”, đôi khi họ còn khiến người dùng bối rối hơn vì câu trả lời của họ rất mâu thuẫn. 

Phóng viên của chúng tôi, trong vai khách hàng đã có những cuộc trò chuyện thú vị với các nhân viên bán hàng phụ trách các sản phẩm TV LCD tại những siêu thị điện máy lớn trong thành phố. Các câu hỏi được chúng tôi đặt ra cho họ liên quan đến những thông số kỹ thuật cơ bản nhất của một TV LCD. Các câu trả lời của họ khiến chúng tôi hoàn toàn bất ngờ vì chúng quá sai và sẽ làm người dùng có những nhận định sai lầm về sản phẩm. 

E-IT: Chuẩn HD-Ready là gì vậy anh? 

Nhân viên bán hàng (NVBH): Đó là chuẩn tín hiệu kỹ thuật số, các TV sử dụng đèn đuôi (TV CRT) thì tín hiệu không phải kỹ thuật số. Nên HD-Ready là thông số chứng tỏ nó có thể thu được tín hiệu kỹ thuật số. 

E-IT: Lúc nãy trong đoạn phim trình chiếu em có thấy ký hiệu Full HD, đó là gì vậy? 

NVBH: Full HD là ký hiệu thể hiện độ phân giải 1080p, nhưng hiện giờ thì chưa có chương trình nào đạt đến độ phân giải cao như thế. 

E-IT: Tôi chưa hiểu rõ lắm, anh giải thích rõ hơn được không? 

NVBH: Anh nhìn nhé (chỉ vào thông số độ phân giải 1360x768), nếu Full HD thì độ phân giải lên đến 1360x1080. 

E-IT: Tôi thấy chất lượng giữa TV LG và Sony không chênh lệch nhiều, trong khi LG giá lại rẻ hơn, tại sao mọi người thích Sony hơn? 

NVBH: TV LG là của Hàn Quốc, chất lượng linh kiện không cao, không có độ chính xác trong hình ảnh. Hàng của Nhật bao giờ cũng tốt hơn hàng của Hàn Quốc. 

Cũng vì lý do này, chúng tôi khuyên các bạn nên đến những Trung tâm giới thiệu sản phẩm của chính hãng như SONY, Samsung hay LG,… để tham khảo về thông số kỹ thuật cũng như thử qua sản phẩm trước khi đi mua ở các siêu thị điện máy. Vì ở các trung tâm này, đội ngũ nhân viên bán hàng có sự đào tạo bài bản và chuyên nghiệp hơn, có thể tư vấn cho người dùng lựa chọn được sản phẩm phù hợp. 

HD là gì? HD Ready có gì khác Full HD? Loại nào phù hợp với tôi? 

Trước tiên tôi muốn làm rõ khái niệm HD. Có quá nhiều sản phẩm cũng như công nghệ có liên quan đến thuật ngữ này. HD là gì? HD – High Definition là chuẩn độ nét cao cho các định dạng âm thanh và hình ảnh được lưu trữ và phát thông qua các thiết bị nghe nhìn như TV, đĩa quang, PC. Chuẩn HD cho chất lượng hình ảnh và âm thanh tốt hơn nhiều lần so với các chuẩn khác với độ phân giải cao và được lưu trữ không nén nên thường có dung lượng lớn hơn nhiều lần so với các chuẩn hình ảnh và âm thanh thông thường. 

Hiện nay, có 3 độ phân giải chuẩn HD được công nhận: 1280x720 (720p), 1920x1080 (1280i và 1280p). Một TV LCD HD phải có khả năng phát được hình ảnh ở độ phân giải 720p trở lên đến 1080i và 1080p. Nhưng hiện nay trên thị trường có 2 loại TV LCD HD là full HD và HD Ready. Vậy thì 2 chuẩn này có gì khác nhau? 

HD Ready: là loại TV có khả năng phát được các nội dung độ nét cao ở độ phân giải HD thông qua các giao tiếp component (Y/Pb/Pr), HDMI và DVI. Các TV này phải có độ phân giải chuẩn (Native Resolution) thấp nhất là 720p để được gọi là TV HD Ready. Chuẩn giao tiếp component (Y/Pb/Pr) dùng tín hiệu analog được hỗ trợ bởi các loại TV HD nhằm tương thích với các nguồn nội dung HD hiện đang có trên thị trường, còn HDMI và DVI đều là chuẩn tín hiệu digital. Một điểm quan trọng nữa là các TV HD Ready không có khả năng xử lý tín hiệu TV định dạng HD (không có bộ thu sóng TV chuẩn HD mà chỉ có bộ thu sóng TV thường) mà chỉ có thể hiển thị các nội dung định dạng HD từ các thiết bị phát như đầu đĩa, máy chơi game hoặc PC. 

Full HD: là loại TV có khả năng xử lý và hiển thị tín hiệu TV cũng như các nội dung HD khác ở độ phân giải 1080p. Chúng phải có độ phân giải mặc định là 1920x1080 (1080p). Điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất là TV LCD Full HD phải có kích cỡ tối thiểu là 40 inch, với công nghệ sản xuất ở thời điểm hiện tại thì các TV kích thước nhỏ hơn không thể đạt độ phân giải 1080p. Điểm thứ hai là nó được tích hợp thiết bị thu và xử lý sóng TV ở định dạng HD trong khi một TV HD Ready không có thiết bị này. Tuy nhiên, điều này không có nhiều ý nghĩa nếu bạn đang sống ở một quốc gia mà sóng truyền hình vẫn còn là analog và không có nhiều khả năng sẽ thay đổi trong khoảng nhiều năm tới như Việt Nam. Do các đặc điểm vừa nêu nên giá thành của TV Full HD cao hơn khá nhiều so với các TV HD Ready. Do đó, lựa chọn loại TV nào là tùy theo nhu cầu và khả năng tài chính của mỗi người; mỗi loại TV đều có điểm mạnh và yếu riêng. 

Tuy nhiên, các chuẩn này thuộc dạng “tự phong”. Không có một cơ quan chức năng nào xác nhận là mẫu ABC của hãng XYZ đạt chuẩn Full HD hay chỉ là HD Ready. Do đó bạn cần kiểm tra kỹ độ phân giải và các thông số liên quan khác để đảm bảo chiếc TV mình mua đúng chuẩn được in ngoài vỏ thùng. Đôi khi, một số thương hiệu ít tên tuổi thường mập mờ về khoản này để đánh lừa người tiêu dùng, còn với các thương hiệu lớn như SONY, Samsung, LG… thì bạn có thể yên tâm.

Những cần biết khi mua TV LCD giá rẻ 


Ở những TV LCD rẻ tiền, một số tính năng không quá quan trọng đã bị nhà sản xuất bỏ đi để giảm chi phí, nhưng chính những yếu tố đó lại ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh của sản phẩm. 

Hiện trên thị trường có rất nhiều dòng TV LCD giá chỉ khoảng 6 đến 8 triệu đồng. Tuy nhiên, khi mua những TV này, người tiêu dùng nên chú ý những tính năng làm nên thành công của TV LCD có ở sản phẩm mình chọn hay không. 

Thông thường, ở TV rẻ tiền, nếu không phải là model lỗi mốt thì nhà sản xuất đã bỏ một vài tính năng không quá quan trọng đi để tiết kiệm chi phí sản xuất. Ví dụ, họ đã bỏ đi chế độ điều chỉnh màu đen thể hiện đẳng cấp của TV LCD, hạn chế góc xem, bộ chuyển màu không linh hoạt khiến màu sắc hiển thị trên màn hình không thực, kém tươi. 

Trong những yếu tố trên, quan trọng nhất là phải kiểm tra màu đen của hình ảnh. Màu đen phải thật là đậm thì tốt.
 

Góc xem cũng là một điểm đáng lưu tâm vì thực chất khi xem TV, không phải lúc nào bạn cũng ngồi thằng trước màn hình. Nhiều dòng TV giá rẻ được sản xuất lần hai đã không có góc xem rộng, như vậy, chỉ cần ngồi chéo góc một chút là bạn đã không nhìn thấy gì trên màn hình. Chính điều này cũng làm hình ảnh hiển thị không được rõ nét và giảm màu đen trên màn hình. 

Ngoài ra, sự chuyển màu cũng quan trọng không kém. Nếu bộ màu của máy không tốt thì sắc trên hình sẽ mờ ảo và xỉn. Trong khi TV có bộ đổi màu tốt thì hình rất tươi, mượt và mịn. Khi kiểm tra, bạn nên chú ý đến các màu sắc tự nhiên như xanh da trời, xanh lá cây và đỏ. 


Sau khi xác định được model cần mua, bạn nên cân nhắc mua ở đâu. 

Cùng với chất lượng hình, khả năng tái tạo âm thanh cũng quan trọng. Bạn nên nghe thử xem khi vặn to loa có rè hay vỡ tiếng không. Ngoài ra, cũng cần chú trọng đến khả năng kết nối để nâng hiệu quả "liên kết" giữa TV với các thiết bị nghe nhìn khác. 

Sau khi xem xét các yếu tố kỹ thuật kể trên và quyết định được sẽ mua model nào, bước tiếp theo là cân nhắc kỹ sẽ mua ở đâu. Bạn nên chắc chắn rằng đại lý hay nhà phân phối đó có chính sách đổi hàng nếu gặp sự cố trong tuần đầu sử dụng hay các chế độ chăm sóc khách hàng thiết thực 

Theo Sohoa.net

Chất lượng TV LCD: Dễ bị nhầm 

Cùng một thương hiệu, mẫu mã nhưng chất lượng của TV LCD có thể khác nhau 

Khác hoàn toàn với TV bóng đèn hình, chất lượng TV LCD không đồng nhất. Cùng một thương hiệu, cùng một mẫu mã nhưng chất lượng của TV LCD có thể khác nhau. Tất nhiên, giá cả cũng khác nhau khá nhiều. Đó là điều ít người tiêu dùng VN biết được. Thậm chí nhiều doanh nghiệp (DN) bán lẻ, nếu không có điều kiện tiếp cận cũng khó biết. 

Panel TV LCD có đến 4 loại 

Như đã nói ở bài trước, panel là bộ phận chủ lực làm nên TV LCD. Vì vậy, chất lượng của panel cũng quyết định đến chất lượng của TV LCD. 

Bề mặt của panel được hình thành bởi các điểm ảnh. Mỗi điểm ảnh được cấu tạo bởi 3 transistor, tương ứng với 3 màu cơ bản. Thí dụ, panel LCD 32" đang bán phổ biến trên thị trường có 1.366 điểm ảnh theo chiều ngang và 768 điểm ảnh theo chiều cao. Như vậy, một TV LCD 32" thông thường có khoảng 1 triệu điểm ảnh, tương đương với hơn 3 triệu transitor. 

Với kỹ thuật sản xuất bán dẫn hàng loạt, trong 1 triệu transistor có một transistor hư là tỉ lệ chấp nhận được. Vì vậy, trên panel của một TV LCD 32" có 3 transistor bị hư là bình thường. Những điểm ảnh có transistor bị hư gọi là “dead pixel” nghĩa là điểm ảnh chết. Chết transistor đại diện cho màu cơ bản nào thì mất màu đó. Chết cả 3 transistor trong điểm ảnh thì điểm ảnh này sẽ luôn luôn sáng trắng hoặc luôn luôn tối đen. Thời kỳ đầu TV LCD mới xuất hiện, tỉ lệ transistor bị hư rất cao, số lượng panel bị hủy bỏ rất lớn, tỉ lệ panel hoàn hảo để xuất xưởng thấp nên giá thành TV LCD lúc đó rất cao. Qua cải tiến công nghệ, tỉ lệ hư transistor giảm dần, làm giảm tỉ lệ panel phải bỏ đi. Đó là lý do chính làm cho TV LCD giảm giá mạnh trên thị trường gần đây. Tuy nhiên, công nghệ làm panel không thể đạt đến mức lý tưởng là không có transistor nào hư hỏng trên 3 triệu transistor nên người ta phải chấp nhận “du di”, nghĩa là có tỉ lệ nhất định về số lượng transistor bị hư và số điểm ảnh chết mà vẫn cho xuất xưởng. Tổ chức Chất lượng Thế giới ISO đã có hẳn một tiêu chuẩn riêng để đánh giá, phân loại Panel (tiêu chuẩn ISO 13406-2), nghĩa là hợp thức hóa việc “du di” này. 

Trên giao dịch thương mại, các nhà sản xuất panel thường chia chất lượng panel ra 4 loại theo thứ tự giảm dần: A, A1, B, C hoặc A, A-, B, C. Phân loại chất lượng này chủ yếu dựa vào số điểm ảnh bị hư trên panel. 

Chất lượng A là trên panel có số điểm ảnh bị hư không quá 2, B là lớn hơn 2 nhưng không quá 6 transitor bị hư, C là số transistor bị hư nhiều hơn B, chấp nhận có transistor bị hư trong vùng trung tâm. Thông thường giá bán panel loại A thường cao hơn loại B gần 30%. Thí dụ, loại A của Hàn Quốc đang rao bán 370 USD loại 32" thì loại B tương ứng chỉ còn 300 USD. Vì vậy, cùng một thiết kế, kiểu dáng và kích thước 32" nhưng nhà cung cấp bán với nhiều giá khác nhau tùy theo nhà lắp ráp chọn mua loại panel nào. Đây là điều mà người tiêu dùng VN gần như không biết. Bất hợp lý trong ngành điện tử hiện nay là mua panel loại B và C phải đặt tiền trước, sau đó mới nhận hàng. Vì loại chất lượng thấp này đang được bán chạy. 

Cách phân biệt chất lượng 

Thật ra, rất khó phát hiện số điểm ảnh bị hư trên màn hình TV LCD do điểm hư rất nhỏ. Ngay trong gia đình, khi ở cự ly gần, xem các chương trình ti vi hoặc phim thông thường, người xem gần như không phát hiện được điểm ảnh bị hư. Chỉ khi xem ảnh tĩnh, ở phạm vi gần may ra người xem mới có thể phát hiện điểm có transistor bị chết. 

Hiện nay, ngay cả dân chuyên nghiệp cũng gần như không phát hiện được lỗi kỹ thuật này, trong điều kiện thông thường. Để kiểm tra, các nhà lắp ráp phải có một quy trình chuyên nghiệp gồm 10 biểu đồ, tương ứng với 10 khung hình có màu sắc khác nhau. Phát lần lượt 10 khung hình này lên TV LCD thông qua đầu đĩa thông thường rồi quan sát và đếm số điểm ảnh bị chết trên Panel là có thể phân loại được Panel của TV thuộc loại nào, giá cả bao nhiêu? 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét