13 tháng 11, 2011

Kiểm soát tập trung IP Camera


Với doanh nghiệp có hệ thống chuỗi cửa hàng, việc giám sát tất cả IPC, lưu trữ tập trung hình ảnh, video từ camera tại các cửa hàng là một vấn đề nan giải. Bài viết sẽ giới thiệu giải pháp kiểm soát tập trung IP Camera, sử dụng các ứng dụng sẵn có, dễ thiết lập, cấu hình và nhà quản lý có thể truy cập từ bất kỳ đâu, miễn là nơi đó có kết nối Internet.
Ngày nay, với sự phát triển của Internet, nhiều ứng dụng, giải pháp được triển khai, đem lại lợi ích thiết thực cho người dùng và doanh nghiệp. IP Camera (IPC) là một trong những giải pháp giúp nhà quản trị nâng cao khả năng quản lý, kiểm tra, giám sát.


Hình 1: Mô hình kết nối tổng quan.
Với doanh nghiệp có hệ thống chuỗi cửa hàng, việc giám sát tất cả IPC, lưu trữ tập trung hình ảnh, video từ camera tại các cửa hàng là một vấn đề nan giải. Bài viết sẽ giới thiệu giải pháp kiểm soát tập trung IP Camera, sử dụng các ứng dụng sẵn có, dễ thiết lập, cấu hình và nhà quản lý có thể truy cập từ bất kỳ đâu, miễn là nơi đó có kết nối Internet.

Giả sử, doanh nghiệp có chuỗi 4 cửa hàng bán lẻ. Nhà quản trị mong muốn kiểm tra, giám sát, lưu trữ hình ảnh của tất cả IP Camera. Để hiện thực được khả năng này thì yếu tố thuận lợi nhất là IPC có đi kèm phần mềm hỗ trợ việc quản lý tập trung đồng thời nhiều IPC. Trong bài này chúng tôi sẽ minh họa cụ thể bằng các thiết bị, hạ tầng mạng mà chúng tôi đã từng thử nghiệm và có kinh nghiệm thực tế: IP Camera D-Link DCS-3410, router ADSL DrayTek Vigor2700, đường truyền Internet (IP tĩnh) và các phần mềm hỗ trợ truy cập từ xa như LogmeIn, TeamViewer, RealVNC, Remote Desktop.

Trước tiên tại các cửa hàng, trên các router ADSL, bạn cần thiết lập chuyển tiếp cổng (port forwarding (PF) hay port redirection – xem thêm tại ID: O0909_7) cho các IPC (giúp truy cập các IPC từ xa cũng như đảm bảo việc truyền nhận audio/video từ cửa hàng về trụ sở thông suốt).

IPC D-Link sử dụng giao thức TCP/cổng 80 để quản lý, cấu hình thiết bị; giao thức UDP/cổng 5002 và 5003 dùng truyền nhận tín hiệu audio, video. Các cổng này được thiết lập mặc định và tùy theo loại IPC sẽ có các cổng truy cập, truyền nhận tín hiệu khác nhau.

Hình 2 là các thông số thiết lập chuyển tiếp cổng trên router ADSL tại một cửa hàng. Trong đó Private IP 192.168.1.20 chính là địa chỉ IP nội bộ của IPC (giả sử là của IPC cửa hàng 1). 
Hình 2: Thiết lập chuyển tiếp cổng trên router ADSL Draytek Vigor2700.
Sau khi đã thiết lập xong chuyển tiếp cổng trên các router ADSL, bạn cần ghi nhận lại địa chỉ IP thật dạng tĩnh (do ISP cung cấp) của các cửa hàng. Từ đây, nhà quản trị có thể truy cập trực tiếp vào từng IP Camera đặt tại các cửa hàng, đơn giản mở trình duyệt web, nhập http://địa chỉ IP thật dạng tĩnh của cửa hàng. Tuy nhiên để có thể giám sát cùng lúc 4 màn hình của 4 cửa hàng và xem nhật ký sao lưu của từng cửa hàng (mỗi cửa hàng cần trang bị máy tính để sao lưu cục bộ), nhà quản trị phải mất nhiều thời gian để truy cập từng IP Camera. Vậy làm cách nào để nhà quản trị thực hiện ít thao tác mà vẫn giám sát được toàn bộ Camera ở 4 cửa hàng? Giải pháp đó là xây dựng một máy tính quản lý các IPC từ xa đặt tại trụ sở.

Tại trụ sở, bạn cần cài đặt phần mềm D-ViewCam (kèm theo thiết bị IPC D-Link) vào một máy tính. Sau khi đăng nhập phần mềm D-ViewCam, bạn chọn mục AddCamera/Add Manually để tiến hành gán các IPC từ xa. Các thông số cần quan tâm:
Hình 3: Gán các IP Camera từ xa vào D-ViewCam.
Camera IP Address: Địa chỉ IP thật dạng tĩnh (của cửa hàng).
Device Port: Cổng quản lý, cấu hình thiết bị (mặc định 80).
Model Name: Chọn kiểu IPC (nên chọn đúng để phần mềm hỗ trợ tốt).
Camera ID: Tên dùng đăng nhập vào IPC.
Camera Password: Mật khẩu đăng nhập vào IPC.
Sau khi gán xong các IPC từ xa vào phần mềm D-ViewCam, bạn sẽ được chuyển qua màn hình quản lý. Tại đây bạn sẽ thấy hình ảnh truyền về từ 4 Camera ở 4 cửa hàng. Phần mềm D-ViewCam cho phép nhà quản trị giám sát, lưu trữ hình ảnh, video cùng lúc 32 IPC vào ổ cứng máy tính nên rất thuận tiện cho việc xem lại.
Hình 4: Màn hình giám sát 4 IP Camera cửa hàng.
Việc thiết lập IPC, máy tính và phần mềm quản lý hoàn tất. Nhà quản trị làm việc tại trụ sở có thể dễ dàng theo dõi toàn bộ hoạt động của các cửa hàng. Tuy nhiên, nếu nhà quản trị ở bên ngoài trụ sở mà vẫn muốn giám sát tất cả các cửa hàng thì giải pháp là gì?

Khi nhà quản trị làm việc bên ngoài trụ sở, chỉ cần có kết nối Internet và sử dụng các chương trình, tiện ích như LogmeIn, TeamViewer, RealVNC, Remote Desktop… thì việc giám sát toàn bộ hoạt động của 4 cửa hàng trở nên hoàn toàn đơn giản.

Với LogmeIn (tham khảo ID:A0612_146), TeamViewer (ID: A0809_135) bạn không cần cấu hình PF cho router tại trụ sở. Đơn giản chỉ cài đặt phần mềm trên máy tính quản lý IPC, máy tính truy cập từ xa của nhà quả trị và tạo một tài khoản đăng nhập.

Riêng với chương trình RealVNC và tiện ích Remote Desktop sẵn có của Windows (tham khảo ID:A0407_126), bạn cần thiết lập PF trên router ADSL tại trụ sở.

Nếu hệ thống mạng tại trụ sở và các cửa hàng không có địa chỉ IP thật dạng tĩnh, bạn có thể sử dụng dịch vụ DNS miễn phí (ID: A0308_106 ) thường được hỗ trợ sẵn trên router ADSL. Ngoài các ứng dụng hỗ trợ truy cập từ xa giới thiệu ở trên, bạn có thể dùng các giải pháp VPN hoặc các phần mềm truy cập từ xa khác.

Quốc Dũng 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét